Thông tin cần biết

Ban vì sự tiến bộ PN  »  Thông tin cần biết


KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM (Triển khai Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW

 
 
  TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
  
 
Số: 207 /KH-CĐN         
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
 
 
Hà Nội, ngày 29 tháng 7 năm 2014
 
            
 
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Triển khai Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW
về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu
công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế

                                                                   

 

Thực hiện Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ, căn cứ Quyết định số 2653/QĐ-BGDĐT ngày 25/7/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết 29), Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam xây dựng Chương trình hành động như sau:

            I. MỤC TIÊU CHUNG

1. Cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp khả thi phù hợp với thực tiễn của ngành Giáo dục và chức năng của tổ chức công đoàn; tăng cường đổi mới phương thức hoạt động; phát huy sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGLĐ); chủ động phối hợp với các lực lượng trong xã hội tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.

2. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong ngành Giáo dục; quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CBNGLĐ; tiếp tục xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, phát huy vai trò của công đoàn giáo dục các cấp trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, đơn vị; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đề ra.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường tuyên truyền, vận động đội ngũ CBNGLĐ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới giáo dục - đào tạo

- Chủ động, tích cực, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của đội ngũ trong công cuộc đổi mới, phát triển giáo dục; Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông có giải pháp hiệu quả nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

- Động viên cán bộ công đoàn tích cực, gương mẫu đi đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục - đào tạo.

- Tuyên tuyền, vận động để tổ chức công đoàn chủ động tham gia quản lý giáo dục; tăng cường giám sát thực hiện các quy chế, nội quy cơ quan, đơn vị, trường học; chống thương mại hóa trong giáo dục - đào tạo; ngăn chăn các nguy cơ sai phạm.

- Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong việc tham gia khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong ngành nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ CBNGLĐ trong thực hiện đổi mới giáo dục.

- Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng; Đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt”, biểu dương gương người tốt, việc tốt, đơn vị có nhiều sáng kiến hiệu quả trong đổi mới giáo dục - đào tạo; quan tâm động viên, khen thưởng kịp thời.

2. Công đoàn tham gia và thực hiện đổi mới các yếu tố cơ bản của giáo dục - đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học 

- Phối hợp chặt chẽ với chuyên môn đồng cấp trong việc tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tay nghề cho CBNGLĐ; có cơ chế, chính sách hỗ trợ giảng viên, cán bộ quản lý học tập nâng cao trình độ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và ứng dụng các nghiên cứu vào thực tiễn; đưa nội dung “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” thành việc làm thường xuyên, thiết thực, có hiệu quả.

- Tham gia việc đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý và giáo viên, giảng viên theo các chuẩn quy định; đúc kết, viết sáng kiến kinh nghiệm; tích cực cập nhật, tiếp thu kiến thức mới.  

- Chủ động tham gia và thực hiện đổi mới chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo; đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục phổ thông với giáo dục đại học.

+ Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng thực hiện đổi mới mạnh mẽ nội dung giáo dục đại học và sau đại học; đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu xã hội; riêng các trường sư phạm phải tăng cường đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình - SGK, đổi mới đánh giá, thi, kiểm tra.

+ Các cơ sở giáo dục phổ thông tăng cường nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng; tích hợp nội dung dạy học thuộc lĩnh vực chuyên môn đảm nhận đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục.

3. Phát triển và chăm lo đời sống của đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động

- Tham gia cùng với các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách tiền lương, các chế độ ưu đãi đối với nhà giáo, nhất là nhà giáo hiện đang công tác. Phấn đấu để lương, phụ cấp, thu nhập của nhà giáo nằm trong tốp dẫn đầu trong đội ngũ công chức, viên chức nhà nước.

- Rà soát, phát hiện, kiến nghị điều chỉnh những bất cập trong chế độ chính sách hiện hành đối với CBNGLĐ; Phối hợp rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống chức danh nhà giáo và vị trí việc làm; chế độ làm việc của nhà giáo và CBQL phù hợp với đổi mới giáo dục.

- Khảo sát thực trạng, từ đó đề xuất các bộ ngành liên quan xây dựng cơ chế hỗ trợ giáo viên, giảng viên trẻ có nhà ở để ổn định giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học; có chính sách thu hút người có trình độ chuyên môn, tay nghề giỏi về công tác trong ngành, đồng thời quan tâm đến cán bộ, nhà giáo và người lao động công tác ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

- Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động quyên góp, hỗ trợ trong ngành; vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ NGNLĐ công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, gặp khó khăn, hoạn nạn, rủi ro.

- Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học đạt chuẩn văn hóa; phối hợp đẩy mạnh thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo; phát triển nâng cao đời sống văn hóa nhà giáo; xây dựng gia đình văn hóa góp phần xây dựng đội ngũ NGNLĐ có nếp sống lành mạnh, có tác phong sư phạm mẫu mực; xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, thân thiện.

4. Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động mang tính xã hội rộng lớn trong đội ngũ nhà giáo và người lao động

- Đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức, cụ thể hóa, lựa chọn nội dung thi đua có tính đột phá và lồng ghép nội dung các phong trào thi đua, cuộc vận động cho phù hợp với thực tiễn ngành Giáo dục, trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cơ sở giáo dục, mỗi NGNLĐ trong ngành.

- Tiếp tục triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Hai tốt”, cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” lồng ghép với cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” với mục tiêu trọng tâm là xây dựng nhà công vụ giáo viên; Tăng cường các nguồn lực hỗ trợ CBNGLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tai nạn, rủi ro, thiên tai.

- Cùng với chuyên môn nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật và hành vi nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ, CBNGLĐ trong ngành, đưa việc thi hành pháp luật lao động đi vào nề nếp.

5. Tham gia đổi mới quản lý giáo dục và đào tạo, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định

- Phối hợp cùng với chuyên môn đồng cấp trong quản lý, chỉ đạo các hoạt động giáo dục, đào tạo; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và thực hiện nhiệm vụ phát triển đơn vị, trường học.

- Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; tham gia tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị người lao động thiết thực và hiệu quả; tiếp tục chỉ đạo thực hiện đầy đủ và nâng cao chất lượng ký kết hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể trong các cơ sở giáo dục, nhất là các đơn vị ngoài công lập.

- Thực hiện tốt quy chế phối hợp công tác giữa công đoàn với chuyên môn đồng cấp; chủ động tham gia phối hợp trong công tác tổ chức cán bộ, các hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị, trường học; cùng với các tổ chức đoàn thể khác phát huy vai trò của các hội đồng trong nhà trường, đảm bảo dân chủ công khai, minh bạch trong các hoạt động của đơn vị, trường học.

 

6. Xây dựng tổ chức công đoàn phù hợp với phân cấp quản lý giáo dục

- Chủ động xây dựng kế hoạch, những định hướng trọng tâm của công đoàn ngành để phối hợp với LĐLĐ các tỉnh, thành phố trong việc chỉ đạo hoạt động công đoàn giáo dục các cấp ở địa phương phát triển ổn định.

- Phối hợp chỉ đạo công đoàn giáo dục cấp trên trực tiếp cơ sở xây dựng quy chế phối hợp công tác phù hợp với phân cấp trong hệ thống công đoàn.

- Đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động công đoàn đảm bảo tính ngành nghề đặc thù giáo dục và đào tạo, phù hợp với tình hình của địa phương; nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn giáo dục huyện trong giai đoạn mới.

- Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, đa dạng hóa hình thức hoạt động công đoàn của đại học quốc gia, đại học vùng; Đề xuất với Tổng LĐLĐ Việt Nam và phối hợp với các LĐLĐ địa phương tổ chức hệ thống CĐGD Việt Nam, triển khai hoạt động, thực hiện chức năng, nhiệm vụ tương ứng với mô hình theo đúng qui định của Điều lệ CĐVN khóa XI và các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động.

- Tập trung chỉ đạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở giáo dục, trường học ngoài công lập.

7. Công đoàn góp phần tham gia đổi mới chính sách và cơ chế tài chính giáo dục.

- CĐGD Việt Nam tham gia với Bộ GD&ĐT trong việc xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây nhà công vụ giáo viên.

- CĐGD các cấp chủ động phối hợp với chuyên môn: rà soát, đánh giá, điều chỉnh và bổ sung chính sách phát triển giáo dục của địa phương, đơn vị; xây dựng cơ chế hỗ trợ CBNGLĐ phù hợp với đặc thù vùng miền, thực tiễn địa phương; Tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính; xây dựng và thực hiện tốt qui chế chi tiêu nội bộ theo hướng nâng cao thu nhập cho CBNGLĐ; công khai, dân chủ, minh bạch về tài chính; tiết kiệm chi tiêu; cải cách hành chính, giảm hội họp không cần thiết.

- Vận động các nguồn tài trợ nhằm bổ sung quỹ hỗ trợ cho CBNGLĐ trong ngành

8. Tăng cường các hoạt động đối ngoại để hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo

- Tiếp tục thông qua diễn đàn ACT nhằm tuyên truyền về đổi mới giáo dục và đào tạo của Việt Nam trong khu vực các nước ASEAN và thế giới; chủ động trao đổi kinh nghiệm, học tập mô hình giáo dục hiệu quả từ các nước tiên tiến; tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách liên kết, hợp tác giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế.

- Công đoàn các cơ sở giáo dục đại học chủ động phối hợp với chuyên môn trong việc triển khai thực hiện các hoạt động đối ngoại để xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, có trình độ, đạt chất lượng ngang tầm khu vực và thế giới.

- Tích cực đề xuất về chủ trương tăng cường các hoạt động đối ngoại nhằm tranh thủ các nguồn lực, vận dụng có chọn lọc kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tiên tiến, đẩy nhanh tiến độ đổi mới chương trình và chất lượng giáo dục đào tạo phù hợp với khu vực và quốc tế; tăng cường các nguồn hỗ trợ giáo dục, đào tạo;

- Phối hợp tham gia xây dựng chính sách thu hút chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia nghiên cứu, giảng dạy ở Việt Nam.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công đoàn Giáo dục Việt Nam

- Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, học tập, quán triệt Nghị quyết và Kế hoạch hành động đến đội ngũ cán bộ chủ chốt CĐGD các cấp.

- Chỉ đạo, hướng dẫn CĐGD các cấp triển khai, học tập, quán triệt Nghị quyết và Kế hoạch hành động đến cán bộ công đoàn cơ sở và đội ngũ CBNGLĐ đảm bảo thiết thực, hiệu quả; xác định nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu phù hợp với thực tiễn.

- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình; tổ chức sơ kết chương trình vào tháng 7/2017 và tổ chức tổng kết chương trình vào tháng 7/2020.

- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, LĐLĐ các tỉnh, TP trong công tác chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ có liên quan; Cụ thể hóa các mục tiêu, triển khai nhiệm vụ và kiểm điểm đánh giá tiến độ gắn với việc triển khai nhiệm vụ và tổng kết năm học.

- Định kỳ báo cáo Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT và Tổng LĐLĐ Việt Nam về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết.

2. Công đoàn giáo dục các tỉnh, thành phố

- Xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức triển khai, học tập, quán triệt Nghị quyết và Chương trình hành động của CĐGD Việt Nam đến đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, đoàn viên và người lao động ngành Giáo dục trên địa bàn tỉnh, thành phố.

- Chủ động tham mưu với cấp uỷ Đảng, phối hợp với Sở GD&ĐT, LĐLD huyện chỉ đạo công đoàn giáo dục các cấp tại địa phương triển khai, thực hiện chương trình. Cụ thể hóa nội dung, xác định mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện cho phù hợp với địa phương, đơn vị.

- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình trong hệ thống công đoàn giáo dục trên địa bàn; tổ chức sơ kết chương trình vào tháng 5/2017 và tổng kết chương trình vào tháng 5/2020. 

- Báo cáo kết quả thực hiện chương trình về CĐGD Việt Nam (cùng với báo cáo tổng kết công đoàn cuối năm học và báo cáo vào dịp sơ kết, tổng kết chương trình).

3. Công đoàn các đại học Quốc gia, đại học vùng,

- Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, học tập, quán triệt Nghị quyết và Chương trình hành động của CĐGD Việt Nam đến đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, đoàn viên và người lao động trong các đơn vị trực thuộc.

- Chủ động tham mưu với cấp uỷ Đảng, phối hợp với chuyên môn và các tổ chức đoàn thể đồng cấp chỉ đạo triển khai, thực hiện chương trình. Cụ thể hóa nội dung, xác định mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện cho phù hợp với đơn vị.

- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình đối với các đơn vị trực thuộc; tổ chức sơ kết chương trình vào tháng 6/2017 và tổng kết chương trình vào tháng 6/2020. 

- Báo cáo kết quả thực hiện chương trình về CĐGD Việt Nam (cùng với báo cáo tổng kết cuối năm học và báo cáo vào dịp sơ kết, tổng kết chương trình).

4. Công đoàn các trường đại học, cao đẳng và đơn vị trực thuộc.

- Chủ động tham mưu với cấp uỷ Đảng, phối hợp với chuyên môn xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, học tập, quán triệt Nghị quyết và Chương trình hành động của CĐGD Việt Nam đến đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, đoàn viên và người lao động trong đơn vị. Cụ thể hóa nội dung, xác định mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp thực hiện đảm bảo hiệu quả, phù hợp với đơn vị.

- Tổ chức sơ kết chương trình vào tháng 5/2017 và tổng kết chương trình vào tháng 5/2020 để chuẩn bị cho tổng kết toàn quốc.

- Báo cáo kết quả thực hiện chương trình về CĐGD Việt Nam (cùng với báo cáo tổng kết hoạt động cuối năm học và báo cáo vào dịp sơ kết, tổng kết chương trình)./.

Nơi nhận:
- Đoàn CT TLĐLĐVN;
- Ban CS Đảng Bộ GD&ĐT;       
- LĐLĐ tỉnh, thành phố (phối hợp)
- UV BCH CĐGDVN khóa XIV;
- CĐGD tỉnh, thành phố;                   
- CĐ ĐH Quốc Gia-ĐH Vùng;       
- CĐ Đại học, CĐ trực thuộc;          
- Các ban CĐGDVN;
-  Lưu VP CĐN.
TM. BAN CHẤP HÀNH
CHỦ TỊCH
 
(Đã ký)
 
  
   Trần Công Phong
 
 
 
 

  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  2,084,416       1/686